Bạn đang xem: Sản giật được biên tập nội dung bởi Gia Bảo Minh, cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi Siêu Thị Thiết Bị Y Tế – Dụng Cụ Y Khoa Uy Tín Số 1 Gia Bảo Minh (giabaominh.vn). Thường xuyên cập nhập để nhận những thông tin mới nhất.
Sản giật là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, đe dọa tính mạng thai phụ, thai nhi.
Sản giật (tiếng Anh là Eclampsia) là một biến chứng của tiền sản giật nặng, lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng hoặc hôn mê sâu không rõ nguyên nhân. Cơn co giật có thể xảy ra trước khi sinh, khi thai kỳ được 20 tuần, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh, đặc biệt là đối với những thai phụ từng có dấu hiệu, triệu chứng của tiền sản giật.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, cơn sản giật thường đi sau tiền sản giật, đặc trưng bởi huyết áp tăng cao xảy ra trong thai kỳ và sau khi sinh. Tuy nhiên trường hợp sau sinh lại hiếm gặp hơn. Khi tình trạng bệnh của thai phụ tiến triển nặng, gây tác động lên não dẫn đến các cơn co giật, lúc này thai phụ đã mắc chứng sản giật. Thống kê tại Việt Nam, sản giật chiếm khoảng 10,7-18,4% các trường hợp tử vong ở thai phụ.
Nguyên nhân gây sản giật
Bác sĩ Hiền Lê cho biết, tiền sản giật là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sản giật ở thai phụ. Thai phụ sẽ chuyển sang giai đoạn sản giật khi xuất hiện các triệu chứng như co giật, hôn mê sâu…
Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ sự bất thường trong quá trình hình thành, chức năng của nhau thai. Lưu lượng máu truyền đến nhau thai giảm đi, khiến việc nuôi dưỡng thai nhi bị hạn chế. Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia sản khoa cho rằng có thể xuất phát từ nguyên nhân:
Huyết áp tăng cao
Biến chứng xảy ra khi huyết áp thai phụ tăng cao, lực truyền máu lên thành động mạch không đủ lớn, ảnh hưởng đến động mạch và các mạch máu khác. Hiện tượng này có thể gây sưng tấy các mạch máu trong não và thai nhi đang lớn trong bụng. Lưu lượng máu bất thường sẽ cản trở khả năng hoạt động của não bộ, có thể gây ra các cơn co giật – triệu chứng đặc trưng của hội chứng sản giật.
Protein niệu
Bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Thông thường, thận sẽ lọc các chất thải từ máu và tạo ra nước tiểu. Tuy nhiên, thận sẽ giữ lại các chất dinh dưỡng có trong máu như protein niệu (protein trong nước tiểu) để phân phối lại cho cơ thể. Khi cầu thận – bộ lọc của thận bị hư hỏng, protein có thể bị rò rỉ và bài tiết vào nước tiểu. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu nước tiểu của thai phụ để xét nghiệm tìm protein.
Triệu chứng sản giật sau sinh thường gặp
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết, vì là căn nguyên dẫn đến sản giật, do đó thai phụ có thể gặp các dấu hiệu của tiền sản giật như; huyết áp tăng cao; sưng (phù), đặc biệt là ở mặt, tay và chân; đau đầu; tăng cân không kiểm soát; buồn nôn, nôn, ói mửa; đau bụng, đặc biệt là vùng bụng trên bên phải; khó khăn trong tiểu tiện; các vấn đề ở thị lực như nhìn mờ, mất thị lực.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thai phụ không gặp bất cứ triệu chứng nào như trên mà gặp ngay các triệu chứng nguy hiểm của bệnh như co giật, hôn mê sâu, mất dần ý thức. Do đó, khuyến cáo thai phụ cần thực hiện khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, tầm soát sớm các nguy cơ bệnh tật, ngăn ngừa các biến chứng thai kỳ nguy hiểm xảy ra.
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, tất cả thai phụ bị tiền sản giật hoặc có tiền sử mắc bệnh đều có nguy cơ xuất hiện cơn co giật. Một số đối tượng khác có nguy cơ cao mắc bệnh gồm: thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc mãn tính; thai phụ mang thai trên 35 tuổi hoặc dưới 20 tuổi; thai phụ mang thai đôi hoặc sinh ba; thai phụ mang thai lần đầu; thai phụ mắc chứng tiểu đường thai kỳ hoặc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến mạch máu; mắc bệnh lý thận.
Biến chứng nguy hiểm của sản giật
Tiền sản giật và sản giật trong thai kỳ đều gây tác động đến nhau thai – cơ quan cung cấp oxy và chất dinh dưỡng từ máu của mẹ để nuôi dưỡng thai nhi. Khi huyết áp tăng cao, lưu lượng máu qua các mạch máu giảm, nhau thai không nhận được đủ dưỡng chất để hoạt động bình thường. Lúc này, để bảo toàn tính mạng của cả thai phụ và thai nhi, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ chấm dứt thai kỳ. Thai nhi sinh sớm, nhẹ cân và có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác.
Lịch sử y học thế giới ghi nhận, một số trường hợp hiếm hoi bệnh có thể làm thai phụ đột quỵ, thậm chí là tử vong; thai nhi kém phát triển, sinh non và chết lưu.
Phương pháp chẩn đoán
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết: “Đối với những thai phụ có tiền sử hoặc được chẩn đoán tiền sản giật, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm nhằm xác định nguy cơ tái phát hoặc tiến triển nặng. Đối với thai phụ chưa từng mắc bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguy cơ thai phụ có mắc phải hội chứng này hay không”.
Những xét nghiệm này bao gồm:
Xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số loại xét nghiệm máu cần thiết để đánh giá tình trạng của thai phụ. Các xét nghiệm bao gồm công thức máu hoàn chỉnh, đo lượng tế bào hồng cầu có trong máu, số lượng tiểu cầu xác định máu đông.
Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng giúp kiểm tra chức năng và tình trạng hoạt động của gan và thận thai phụ.
Xét nghiệm creatinine
Creatinine là một chất thải được tạo ra bởi quá trình chuyển hóa cơ. Thận sẽ lọc hết creatinine từ máu, nếu cầu thận bị hư hỏng, nguy cơ creatinine dư thừa trong máu rất cao. Việc tồn dư quá nhiều chất này trong máu của thai phụ có thể là một trong những dấu hiệu của tiền sản giật – sản giật.
Xét nghiệm nước tiểu
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra protein niệu, cũng như tốc độ bài tiết của cơ quan này.
Phương pháp điều trị sản giật
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết, dựa vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp nhất.
Trường hợp bệnh ở thể nhẹ
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi tình trạng sức khỏe của thai phụ, kết hợp điều trị bằng thuốc nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển thành sản giật, giữ thai phụ và thai nhi ở “khung an toàn” cho đến khi thai nhi đủ trưởng thành để có thể chào đời.
Trường hợp tình trạng bệnh nghiêm trọng
Khi thai phụ gặp các biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ chấm dứt thai kỳ. Thai nhi có thể được sinh sớm, và kế hoạch chăm sóc trẻ sinh non được chỉ định phụ thuộc vào thời gian mang thai và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bên cạnh đó, kiểm soát huyết áp trong thời gian mang thai là rất quan trọng. Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, nên điều trị hạ huyết áp đối với những thai phụ có huyết áp tâm thu > 160mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 110mmHg. Kiểm soát huyết áp cũng rất quan trọng trong khoảng 48 giờ sau sinh vì nguy cơ thai phụ gặp sản giật ở mức độ cao nhất. Do đó, nên kiểm soát huyết áp tâm thu < 150mmHg và huyết áp tâm trương < 100mmHg trên hai lần, đọc cách nhau ít nhất 4 giờ.
Thuốc điều trị sản giật
Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số thuốc nhằm ngăn ngừa triệu chứng co giật ở thai phụ, gọi là thuốc chống co giật. Ngoài ra, thai phụ cũng cần sử dụng thuốc trong trường hợp huyết áp tăng cao.
Phòng sản giật
Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, khuyến cáo thai phụ khi được chẩn đoán tiền sản giật cần lưu ý những vấn đề sau: thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ và đúng lịch, nhất là những cột mốc khám thai quan trọng; có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ bầu và thai nhi phát triển tốt; theo dõi, ghi lại sự thay đổi về huyết áp, cân nặng, nước tiểu,… hàng ngày để sớm phát hiện bất thường; thông báo ngay cho bác sĩ khi cơ thể có những triệu chứng bất thường để có hướng điều trị kịp thời.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê khuyến cáo, những thai phụ được chẩn đoán mắc hội chứng này cũng như các thành viên trong gia đình cần trang bị kiến thức, tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Trong trường hợp thai phụ có các dấu hiệu bất thường, gia đình cần đưa thai phụ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị can thiệp kịp thời, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Xem thêm: Bệnh lao.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Sản giật. Nếu bạn có thắc mắc điều gì hãy để lại bình luận chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc. Tôi hy vọng điều đã chia sẻ này đã giúp ích bạn và gia đình.
Ban biên tập: Giabaominh.vn