Bạn đang xem: Trẻ ít giao tiếp bằng mắt là dấu hiệu tự kỷ? được biên tập nội dung bởi Gia Bảo Minh, cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi Siêu Thị Thiết Bị Y Tế – Dụng Cụ Y Khoa Uy Tín Số 1 Gia Bảo Minh (giabaominh.vn). Thường xuyên cập nhập để nhận những thông tin mới nhất.
Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ thường tránh ánh mắt người khác nhưng trong một số trường hợp, thiếu giao tiếp bằng mắt không có nghĩa dấu hiệu của chứng tự kỷ.
Thiếu giao tiếp bằng mắt là một triệu chứng điển hình của tự kỷ. Theo tài liệu của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc sử dụng nhiều hành vi phi ngôn ngữ như: nhìn thẳng vào mắt, biểu hiện trên nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, tương tác xã hội… Các tiêu chí khác được sử dụng để chẩn đoán tự kỷ bao gồm: không có khả năng phát triển, duy trì hoặc hiểu các mối quan hệ; thường tỏ ra thờ ơ hoặc không quan tâm khi được gọi tên…
Tuy nhiên, việc thiếu giao tiếp bằng mắt không phải lúc nào cũng cho thấy trẻ mắc chứng tự kỷ. Đôi khi chỉ vì chúng cảm thấy sợ hãi hoặc không thích người khác nhìn vào mắt. Một số trẻ không biết rằng mình nên nhìn vào mắt ai đó khi giao tiếp, do vậy sẽ nhìn vào miệng hoặc tay của họ. Các chuyên gia cho rằng, việc cảm thấy lo lắng, tính nhút nhát hay bị kích thích quá mức cũng khiến trẻ ít giao tiếp bằng mắt hơn.
Một số trẻ sơ sinh có thể không giao tiếp bằng mắt nhưng vẫn hướng về phía cha mẹ khi được gọi tên. Trường hợp này không được coi là dấu hiệu tự kỷ.

Trẻ tự kỷ thường ít giao tiếp bằng ánh mắt. Ảnh: Freepik
Nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng tự kỷ phản ứng với giao tiếp bằng mắt khác với những người bình thường. Các nhà khoa học tại Đại học Yale, Mỹ, sử dụng thiết bị quét não để so sánh phản ứng với giao tiếp bằng mắt giữa người mắc chứng tự kỷ và những người không mắc. Kết quả cho thấy giao tiếp bằng mắt thúc đẩy hoạt động ở nhiều vùng khác nhau trong não ở những người mắc chứng tự kỷ so với nhóm đối chứng. Điều này lý giải vì sao trẻ tự kỷ biểu hiện sự lo lắng, sợ hãi, né tránh ánh mắt của người khác.
Một nghiên cứu khác sử dụng điện não đồ (EEG) để nghiên cứu hoạt động của não liên quan đến giao tiếp bằng mắt. Các nhà nghiên cứu phát hiện, những trẻ đang phát triển bình thường có phản ứng mạnh hơn khi nhìn thẳng vào người đối diện. Tuy nhiên, ở trẻ tự kỷ ngược lại, chúng sẽ phản ứng lại mạnh hơn khi đối phương đặt ánh mắt ở những vị trí khác trên cơ thể so với việc nhìn trực diện.
Theo các tác giả nghiên cứu, người mắc chứng tự kỷ thường cảm thấy khó chịu về thể chất khi giao tiếp bằng mắt. Các triệu chứng khó chịu này bao gồm: chóng mặt, nhức đầu, tăng nhịp tim, buồn nôn, run rẩy… thậm chí đau đớn.
Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ không thể tập trung vào ngôn ngữ nói và ánh mắt của người khác cùng một lúc. Một số chỉ dành việc giao tiếp bằng mắt cho các mối quan hệ thân mật và những người mà trẻ tin tưởng. Thay vì nhìn thẳng vào mắt đối phương, nhiều bé chọn cách nhìn trên trán hoặc ngay phía trên mắt của người đó.
Xem thêm: Những thực phẩm dễ gây ngộ độc khi đi du lịch.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Trẻ ít giao tiếp bằng mắt là dấu hiệu tự kỷ? Nếu bạn có thắc mắc điều gì hãy để lại bình luận chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc. Tôi hy vọng điều đã chia sẻ này đã giúp ích bạn và gia đình.
Ban biên tập: Giabaominh.vn